Mạng xã hội

Bạc Liêu

[Bạc Liêu] Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm việc với tỉnh Bạc Liêu về tình hình giáo dục

Chiều 12/5, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu về tình hình giáo dục và đào tạo của địa phương.

Dự buổi làm việc về phía tỉnh Bạc Liêu có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Lê Thị Ái Nam; Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều; lãnh đạo UBND, Sở GDĐT, các sở, ngành, các Phòng GDĐT và một số cơ sở giáo dục.

Quang cảnh buổi làm việc

Báo cáo tình hình giáo dục và đào tạo địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy cho biết: Tính đến cuối tháng 4/2023, tỉnh Bạc Liêu có 287 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên với 162.368 học sinh, học viên. Toàn ngành có 9.722 công chức, viên chức và người lao động.

Cơ sở vật chất trường học được đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố, đảm bảo cơ cấu các khối công trình phù hợp cho từng cấp học, tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai thực hiện hoạt động giáo dục đồng bộ, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Chỉ tính riêng năm 2021, 2022, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng mới 311 phòng học, 171 phòng chức năng, thực hiện sửa chữa cơ sở vật chất trường, lớp học… với tổng kinh phí gần 570 tỷ đồng.

Là địa phương còn nhiều khó khăn song chất lượng giáo dục đại trà của Bạc Liêu được duy trì ổn định và đạt ở mức cao. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT hàng năm đạt trên 99,8%, nhiều năm liên tiếp có điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp nằm ở top 10 của cả nước.

Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn, tỉnh chưa có cơ chế, chính sách cho công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi nên giáo dục mũi nhọn của Bạc Liêu còn hạn chế; số lượng, chất lượng giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia còn thấp so với các tỉnh trong khu vực.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy báo cáo về tình hình giáo dục và đào tạo của tỉnh

Nhìn nhận khó khăn của giáo dục Bạc Liêu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thanh Duy cho hay: Số trường có quy mô nhỏ trên địa bàn còn khá nhiều, nhất là cấp học mầm non; tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường còn thấp so với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Đội ngũ giáo viên còn thiếu so với định mức; việc tuyển dụng bổ sung giáo viên chưa đáp ứng kịp yêu cầu (do thiếu nguồn tuyển và thực hiện tinh giản biên chế) dẫn đến khó khăn trong việc bố trí giáo viên, nhất là giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở một số trường còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục và tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Bộ GDĐT sớm ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 17, 18, 19. Trước mắt, đề nghị Bộ cho vận dụng linh hoạt các Thông tư số 13, 14 trong việc kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia đối với các trường xây dựng theo tiêu chuẩn cũ trước đây.

Đề nghị Bộ GDĐT tham mưu Chính phủ xem xét tăng chỉ tiêu biên chế cho ngành giáo dục và đào tạo Bạc Liêu. Tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh, sửa đổi quy định tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non để phù hợp với đặc thù công việc.

Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Bạc Liêu trao đổi về triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại địa phương

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục của Bộ GDĐT đã trao đổi về những định hướng với giáo dục Bạc Liêu, đồng thời giải đáp một số kiến nghị, đề xuất của địa phương.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chúc mừng tỉnh Bạc Liêu về những kết quả giáo dục đáng khích lệ trong điều kiện còn nhiều khó khăn về kinh tế. Cụ thể, từ năm 2018 đến năm 2021 tỉnh nằm trong nhóm 10 địa phương có kết quả thi tốt nghiệp THPT tốt nhất toàn quốc. Kết quả giáo dục mũi nhọn dù không tốt như đại trà song so với vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng có kết quả đáng mừng.

Là tỉnh còn khó khăn nhưng tỉnh Bạc Liêu đã dành sự ưu tiên đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đội ngũ giáo viên được chăm lo, bồi dưỡng, tập huấn đầy đủ, kịp thời. Là một trong những địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long đi đầu trong chuyển đổi số giáo dục. “Tất cả cho thấy nỗ lực của địa phương”, Bộ trưởng nói.

Trao đổi sâu về nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông đang được triển khai trong cả nước, trong đó làm rõ vai trò “tác giả triển khai” “người thi công chính” của địa phương, Bộ trưởng nhấn mạnh, đổi mới lần này cần sự thấu hiểu của lãnh đạo địa phương, tạo điều kiện sâu và trúng. Do đó, mong rằng cấp tỉnh thấu hiểu cho ngành Giáo dục, bởi công cuộc này riêng ngành Giáo dục không thực hiện được.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc

“Năm 2023 đổi mới giáo dục phổ thông đi được hơn nửa chặng đường, đây là thời điểm cần tập trung chỉ đạo, ưu tiên hỗ trợ đầu tư” chia sẻ điều này, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Bạc Liêu dành sự quan tâm đầu tư kịp thời, hiệu quả trong 2 năm tới, có như vậy đổi mới mới đạt được mục tiêu.

Về một số nhiệm vụ trước mắt, Bộ trưởng mong tỉnh Bạc Liêu chú ý quan tâm chỉ đạo việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện. Làm sao để tổng kết vừa đánh giá những việc làm được, chưa được, đặc biệt là tăng cường kiến nghị chính sách, qua đó tạo tiền đề cho các Nghị quyết tiếp theo về phát triển giáo dục.

Tỉnh cũng cần tiếp tục chuẩn bị và triển khai tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 vào cuối tháng 6 và chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới, bao gồm cơ sở vật chất, đảm bảo số lượng, hỗ trợ tập huấn cho đội ngũ giáo viên. Theo thống kê, hiện Bạc Liêu còn một số lượng khá lớn giáo viên chưa tuyển dụng từ nhiều năm trước, Bộ trưởng đề nghị tỉnh quan tâm tuyển dụng theo chỉ tiêu được giao, từng bước giải quyết vấn đề thiếu giáo viên.

Một số vấn đề chuyên môn như: đẩy mạnh thực hiện quyền tự chủ trong hoạt động chuyên môn của các cơ sở giáo dục và giáo viên; thực hiện tốt vai trò của giáo viên, nhà trường trong lựa chọn sách giáo khoa; chuẩn bị các diều kiện cho dạy học hoạt động trải nghiệm; sắp xếp đội ngũ giáo viên phù hợp triển khai dạy học các môn tích hợp; làm tốt công tác “phụ huynh vận”, tạo sự đồng thuận, đồng hành của phụ huynh với quá trình đổi mới… cũng là những lưu ý của Bộ trưởng với ngành Giáo dục tỉnh Bạc Liêu.

Nguồn: https://moet.gov.vn/

Biên tập: Trung tâm Truyền thông Giáo dục

xem tiếp

Bạc Liêu

[Bạc Liêu] Những mô hình hay trong thực hiện đổi mới giáo dục

Thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (gọi tắt là NQ 29), 10 năm qua, TP. Bạc Liêu đã có nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa, mang đến sự đổi thay toàn diện cho sự nghiệp GD-ĐT thành phố. Trong đó, phải kể đến một số mô hình hay, cách làm hiệu quả trong thực hiện nghị quyết này.

Quyết tâm tạo đột phá

Để góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả NQ 29, bên cạnh việc quán triệt, tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ quản lý giáo dục, giáo viên hiểu sâu, nắm vững, đồng thuận với những quan điểm, chủ trương mà NQ 29 đề cập, đồng thời đưa nội dung NQ 29 vào kế hoạch thực hiện nhiệm vụ hằng năm, vận dụng trong quá trình quản lý, giảng dạy tại các trường, TP. Bạc Liêu còn quyết tâm tạo đột phá bằng việc áp dụng nhiều mô hình hay, cách làm mới trong thời gian qua.

Cụ thể là phát động phong trào thi đua xây dựng trường học “Xanh – sạch – đẹp – an toàn”. Theo đó, các trường học quan tâm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, hoa kiểng tạo cảnh quan sạch đẹp; tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh trong toàn ngành nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị.

Song song đó, TP. Bạc Liêu từng bước thực hiện việc chuyển đổi số trong ngành Giáo dục. Đơn cử như việc 100% các đơn vị trường học thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt; ứng dụng có hiệu quả nhiều phầm mềm hỗ trợ công tác quản lý, công tác dạy và học trong nhà trường; trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành GD-ĐT đã chủ động, linh hoạt chỉ đạo các trường học triển khai hiệu quả các phương án dạy học trực tuyến giúp học sinh “tạm dừng đến trường – không dừng việc học”; cũng như tổ chức các cuộc họp, hội nghị bằng hình thức trực tuyến vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì tốt các hoạt động. Đặc biệt, trong năm 2022 đã tổ chức bồi dưỡng chính trị hè cho hơn 1.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của ngành GD-ĐT bằng hình thức trực tuyến tại 42 điểm cầu.

Nhằm giúp học sinh có điều kiện tiếp xúc và thực hiện giao tiếp tiếng Anh với giáo viên bản ngữ, cũng như kích thích học sinh tham gia tích cực các hoạt động bằng tiếng Anh, năm học 2022 – 2023, TP. Bạc Liêu đã triển khai thí điểm việc dạy học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài theo hình thức xã hội hóa cho 10 trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn thành phố.

Không dừng lại ở đó, ngành GD-ĐT thành phố còn phát động phong trào “Trường giúp trường” nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, hợp tác giữa các trường học với nhau. Qua đó, bước đầu đã huy động nguồn lực tinh thần, vật chất trong toàn ngành, tạo động lực thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, rút ngắn khoảng cách giáo dục giữa các trường trên địa bàn thành phố.

Tiếp tục phát huy

Nhìn vào bức tranh đổi thay toàn diện trên tất cả các mặt công tác của sự nghiệp GD-ĐT thành phố, đã cho thấy bước đi đúng đắn, thận trọng, hiệu quả trong việc thực hiện NQ 29. Với tinh thần phát huy hơn nữa kết quả đã đạt được, thành phố sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vai trò của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo dứt điểm những yếu kém, bất cập còn tồn tại trong giáo dục…

Bên cạnh đó, thành phố sẽ tập trung thực hiện nghiêm túc chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở GD-ĐT và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Quan tâm phát triển giáo dục một cách đồng bộ, hệ thống, có tầm nhìn dài hạn gắn với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của thành phố, cũng như tiến bộ khoa học – công nghệ…

Đặc biệt là tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong GD-ĐT; đảm bảo các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học và trong công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Xây dựng nền giáo dục thực học, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; đảm bảo công bằng trong giáo dục, tạo điều kiện để mọi người đều có cơ hội học tập như nhau.

Vừa qua, tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện NQ 29, Bí thư Thành ủy TP. Bạc Liêu – Huỳnh Hữu Trí đã thẳng thắn nhìn nhận có sự phát triển chất lượng chưa đồng đều giữa các trường, dẫn đến tình trạng “chạy trường, chạy lớp”. Vì vậy, Bí thư Thành ủy đề nghị thành phố tiếp tục thực hiện NQ 29 gắn với triển khai chuyên đề giáo dục trong tiến trình xây dựng TP. Bạc Liêu đạt chuẩn đô thị loại I để đưa GD-ĐT lên một bước nữa. Đồng thời, tiếp tục rà soát hệ thống trường lớp, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, tránh trường hợp chạy trường, chạy lớp để không gây áp lực cho các nhà trường; chú trọng việc giáo dục đạo đức, dạy tiếng Anh trong trường học…

Nguồn: baobaclieu.vn

Biên tập: Kim Trúc

xem tiếp

Tiêu điểm